Rượu thuốc vốn là “trend” không xa lạ với nhiều bạn cùng với khái niệm “kem trộn”. Nó đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường mỹ phẩm một thời gian rất dài. Tác hại của nó cũng đã được cảnh báo rất nhiều. Nhưng tại sao vẫn rất nhiều bạn bị đánh lừa bởi những lời quảng cáo sai sự thật của người bán? Bài viết dưới đây của Pema sẽ giúp các bạn tìm hiểu những tác hại khôn lường của rượu thuốc lên da.
Mục lục
Rượu thuốc là gì?
Rượu thuốc hay còn gọi là rượu rễ cây, thảo dược thực sự không phải là xấu. Đó là phương pháp lấy chiết xuất tự nhiên qua dung môi là cồn (alcohol) vẫn được khoa học biết đến với cái tên tincture. Tincture được thu thập bằng cách ngâm 1 phần thảo dược (rễ cây, vỏ cây, hoa..) trong cồn ở nồng độ 40 độ trở lên trong ít nhất 2-3 tuần.
Trong thời gian này, cồn sẽ phân giải các chất không tan được trong nước. Đồng thời, nước cũng phân giải những chất không tan được trong cồn để thu được chiết xuất cuối cùng.
Ở nồng độ cồn khác nhau, các chiết xuất mang lại cũng mang tính chất khác nhau. Các chiết xuất này hoàn toàn có ứng dụng tốt trong mỹ phẩm. Thậm chí, mang tính dịu da như khi áp dụng với hoa cúc (tincture of calendula).
Tuy nhiên, khi áp dụng vào công nghệ pha chế mỹ phẩm, các chiết xuất này được dùng ở nồng độ khá thấp. Thường dao động khoảng vài phần trăm.
Thứ hai, với các công nghệ mới bây giờ, việc thu chiết xuất trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và lấy được toàn bộ chiết xuất (extract) chứ không như cách làm truyền thống.
Vậy vấn đề sử dụng của rượu thuốc/ rượu rễ cây nằm ở việc thay vì như các hãng mỹ phẩm lớn chỉ dùng một vài phần trăm thì những người bán rượu thuốc lại dùng chiết xuất xem như 90% toàn cồn nồng độ cao lên mặt. Và việc bôi cồn nồng độ cao lên mặt trong thời gian dài chắc chắn sẽ tàn phá làn da của bạn rất nặng nề.
Tại sao rượu thuốc được “ưa chuộng”
Rượu thuốc thường được quảng cáo trên thị trường với các công dụng “thần kì” như điều trị mụn, dưỡng trắng, dưỡng thâm, điều trị nám.
Cơ chế tái tạo da của rượu thuốc không có gì phức tạp. Chỉ là kích thích đẩy nhân mụn, làm khô cồi mụn, bong tróc da. Sau đó lột dần, lột dần cho đến khi lộ lớp da mới mịn màng, trắng hồng, căng bóng.
Chính vì vậy, khi mới dùng rượu thuốc, da sẽ bị sưng đỏ, nóng rát, ngứa ngáy, châm chích, bong lột rất khó chịu. Nhưng qua giai đoạn này khoảng 2 – 4 tuần thì da sẽ bớt sưng, còn bong tróc nhẹ, mụn giảm rõ rệt. Cuối cùng sau 2 – 3 tháng, da sẽ đẹp mơn mởn, y chang da em bé nên rất nhiều người “ham dùng”.
Tuy nhiên, đó chỉ là công dụng trong thời gian ngắn và thực chất là “công dụng ảo”. Chỉ cần ngưng sử dụng một thời gian, da sẽ bắt đầu xuất hiện rất nhiều vấn đề như: nổi mụn li ti khắp mặt, lỗ chân lông to lại, da tiết dầu nhiều hơn, da sạm hơn, dễ bắt nắng… Thậm chí có trường hợp nặng hơn phải nhập viện điều trị do viêm da dị ứng, giãn mao mạch, teo da…
Các tác hại của rượu thuốc
Như Pema đã nói, rượu thuốc “tự chế” đa phần là cồn nồng độ cao. Và đương nhiên, cồn nồng độ cao không thể bôi lên trên da. Vậy tác hại thực sự của cồn trong rượu thuốc là gì?
Tăng tính dẫn nhưng thông qua việc làm tổn hại tế bào da
Việc bôi cồn nồng độ cao trên da giống như bạn đang “tra tấn” làn da của mình bằng việc tạo những lỗ hổng trên da mặt. Khi đó, không chỉ những chất có lợi mà cả những thứ có hại cũng sẽ xâm nhập hết vào da bạn.
Cồn nguyên chất chưa tinh chế và được pha chế rất tùy tiện, nên nó sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”. Nồng độ cồn cao có thể diệt khuẩn mạnh, làm khô nhân mụn nhanh, tẩy bỏ da chết, tạo hiệu ứng mụn được loại bỏ rất cấp tốc.
Nhưng nó cũng lấy đi hoàn toàn lớp dầu tự nhiên của da, khiến da bị khô ráp, bong tróc, bào mòn mạnh, trở nên mỏng yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài.
Tăng tốc độ lão hóa, mẫn cảm, nhạy cảm với ánh nắng
Lớp lipid barrier bị tổn hại nghiêm trọng khi tiếp xúc với cồn làm da mất khả năng bảo vệ vốn có. Mất luôn cả năng cân bằng dầu nước vì lớp dầu đã bị cồn cuốn theo. Và sau một thời gian ngắn, da tiết dầu nhiều hơn do mất cân bằng dầu – nước.
Các nhà khoa học đã chỉ ra phản ứng phá hủy tế bào theo chuỗi của cồn vẫn tiếp tục ngay cả khi chúng bốc hơi.
Chưa kể, khi lipid barrier bị phá hủy, da mất khả năng chống lại các gốc oxy hóa, tia UVA, UVB từ ánh nắng mặt trời. Các tác nhân này sẽ gây tổn hại tế bào, phát sinh các biến dị (nguồn gốc ung thư). Đồng thời phát tín hiệu làm tăng sinh malenin – kết quả da bị sạm nám.
Xem thêm: Nám da là gì? Giải pháp điều trị từ chuyên gia da liễu
Gây nhiễm độc da
Sử dụng rượu thuốc một thời gian sẽ xuất hiện các dấu hiện viêm da hoặc thậm chí là những nốt mụn tiết dịch vàng. Trong trường hợp này, rượu thuốc đã phá hủy hoàn toàn các sợi liên kết và các mô trên da dẫn đến nhiễm trùng da nặng.
Nếu bạn không ngưng sử dụng ngay lập tức và có phác đồ điều trị kịp thời từ các bác sĩ da liễu thì da bạn sẽ rất khó có thể phục hồi và cứu chữa.
Những hệ quả lâu dài có thể kể đến như da bị nhiễm độc sâu rất khó điều trị. Da bạn sẽ mất kiểm soát, mụn trứng cá ồ ạt, nhiều mụn nước, nhiều vảy vàng, da mỏng, yếu…
Tóm lại, rượu thuốc thực chất chỉ là chất tẩy da. Nó sẽ nhanh chóng làm bong lớp biểu bì ngoài cùng khiến phần da non lộ ra ngoài nên tạo cảm giác trắng hồng, mịn màng. Nhưng đây chỉ là tác dụng tạm thời vì sau khi lột lớp da bên ngoài, tế bào nám hoặc nhân mụn vẫn còn sâu phía trong, dễ dàng tái phát trở lại, khi da không được thoa rượu thuốc nữa.
Qua bài viết trên, Pema muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng rượu thuốc thực sự là “độc dược” chứ không phải là “thần dược” như nhiều người lầm tưởng. Đừng vì tin những quảng cáo sai sự thật mà khiến làn da phải “trả giá” đắt. Nếu bạn đã lỡ dùng rượu thuốc thì hãy dừng ngay lập tức và liên hệ với các bác sĩ của Pema để được điều trị kịp thời nhé.
Chúc các bạn dưỡng da an toàn và luôn xinh!