Thời đại bùng nổ thông tin khiến các tin đồn thất thiệt xuất hiện nhiều nơi. Ví dụ như các tin đồn về kem chống nắng gây ung thư, gây rối loạn nội tiết… (tác dụng phụ và độc tính của kem chống nắng) xuất hiện càng nhiều. Để thay thế cho kem chống nắng của cãng hãng dược lớn nhiều bà mẹ bỉm sữa học cách làm kem chống nắng tại nhà. Thực hư tác dụng của các loại kem chống nắng này như thế nào mọi người cùng tìm hiểu cùng đội ngũ bác sĩ của Pema nhé.
Mục lục
Bản chất của các kem chống nắng tự chế
Đầu tiên đó là các loại dầu tự nhiên: dầu dừa, dầu Ô liu, dầu chanh, dầu bưởi, dầu cây mâm xôi, dầu lavender, nước cà rốt… có khả năng chống lại tia UVB có trong một số bài báo. Để tăng tính chống nước cho kem chống nắng tại nhà cư dân mạng dùng thêm sáp ong. Để kem chống nắng mềm mượt hơn các bà mẹ bỉm sữa có thể thêm bơ hạt mỡ (shea butter).
Thứ 2 để thêm tác dụng chống nắng những người làm kem chống nắng cho thêm ZnO hoặc Ti2O vào để tăng khả năng chống tia UVA.
Khi nghe tới các thành phần chống nắng này chúng ta thấy khá là thuyết phục: bởi vì 1 nhóm chống tia UVB kết hợp với nhóm chống tia UVA thì chúng ta có thể tạo thành 1 loại kem chống nắng phổ rộng rồi còn gì. Cần gì phải tốn tiền mua mấy loại chống nắng của các hãng dược cho tốn tiền.
Vậy thực chất lập luận trên đây có đúng hay không? Mọi người cùng tìm hiểu tiếp cùng các bác sĩ của Pema nhé.
Các thành phần trong kem chống nắng tự chế có thật sự có hiệu quả?
Vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại dầu ở trên chỉ có khả năng chống tia UVB 1 cách khá hạn chế. Ví dụ dầu dừa được nghiên cứu có chỉ số khoảng SPF 1-7, bơ hạt mỡ và dầu lavender có chỉ số SPF £6.
Riêng nghiên cứu của Oomah thấy rằng chỉ số SPF của cây mâm xôi từ 28-30. Dầu cà rốt có thể có chỉ số chống nắng SPF 28-50. Một số tác giả nghiên cứu chỉ số SPF của một số loại dầu tự nhiên cũng cho kết quả SPF khoảng 15-20 như dầu bơ, Karanja oil, Wheatgerm oil. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của các tác giả Ấn Độ năm 2009 lại nghiên cứu các loại dầu trên dung dịch rượu nên chúng ta không thể ngoại suy ra chỉ số SPF trong các chế phẩm chống nắng tự chế dạng kem hay dạng balm được.
Nhiều công thức chống nắng trên mạng có thêm thành phần kẽm oxide để tăng cường khả năng chống tia UVA. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng không phải dạng trình bày nào của kẽm oxide cũng có khả năng chống nắng. Trong một nghiên cứu thấy rằng kẽm oxide ở dưới dạng sắc tố (pigment form) hoàn toàn không có tác dụng chống nắng. Mà trong các công thức của kem chống nắng tự chế kẽm oxide lại tồn tại dưới dạng này.
Vậy thực tế chỉ số SPF của các công thức của kem chống nắng tự chế là bao nhiêu?
Đầu tiên chúng ta đi qua một vài công thức phổ biến được lan truyền trên các trang mạng nhé:
- Công thức đầu tiên: dầu dừa, bơ sữa hạt mỗi loại 4 muỗng ăn súp (tablespoon) + sáp ong, kẽm oxide mỗi loại 2 muỗng ăn súp và cuối cùng vài giọt vitamin E. Công thức này có nồng độ kẽm oxide 4.5%.
- Công thức chứa 35% kẽm oxide: bơ hạt sữa hạt và dầu Ô liu mỗi loại 30g, kẽm oxide 35g, sáp ong 5g, 10 giọt vitamin E, 10 giọt dầu lavender.
- Công thức không chứa kẽm oxide: dầu dừa 30ml, bơ hạt sữa 25ml, hạt dầu hoa hướng dương 6ml, vitamin E 6ml, 30 giọt dầu lavender.
Thực tế là các tác giả đã đo chính xác chỉ số SPF trên 15 sản phẩm kem chống nắng tự chế phổ biến trên các trang mạng thấy rằng: 3/15 mẫu kem chống nắng không chứa các thành phần chống nắng nào và 12/15 mẫu còn lại có chỉ số SPF <6.
Mà các bạn biết rồi chỉ số SPF <6 không có ý nghĩa để bảo vệ da của chúng ta khỏi ánh nắng. Ngưỡng chống nắng cho phép của Châu Âu SPF từ 6 trở lên. Còn các công thức chống nắng trên các trang mạng của Việt Nam cũng tương tự như 15 công thức phổ biến ở Pháp, bởi vì chúng ta đi copy ở các trang mạng ở bên đó về mà!!
Vậy tại sao chỉ số SPF của các kem chống nắng tự chế lại thấp như vậy: có lẽ đến từ các nguyên nhân như kẽm oxide ở dạng tồn tại không có tác dụng chống nắng. Thứ 2 khi trộn lẫn các sản phẩm vào với nhau, không có thêm các chất bảo quản… nên tác dụng chống nắng có thể bị mất đi. Và cũng tuỳ thuộc vào công thức khi mà tính lượng dầu bằng thìa thì không chính xác.
Độ an toàn của kem chống nắng tự chế?
Trong một nghiên cứu của các giả người Pháp năm 2020 thấy rằng nồng độ kẽm oxide trong các kem chống nắng tự chế ở trên mạng có thể đạt tới nồng độ khá là cao 35% trong khi đó theo luật của Châu Âu nồng độ kẽm oxide trong kem chống nắng không được vượt quá 25%. Trong một số nghiên cứu người ta thấy rằng khi dùng kẽm oxide với nồng độ cao có thể gây tăng nồng độ Zn2+ từ đó có thể gây độc cho tế bào, tăng stress oxi hoá.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nữa đó là khi dùng các loại dầu trên để chống nắng chúng ta có nguy cơ bị viêm da tiếp xúc dị ứng, kích ứng và xuất hiện mụn nhân trứng cá nhiều hơn đặc biệt là dầu dừa được xếp vào nhóm gây mụn trứng cá khá cao
Một vấn đề nữa đó là các kem chống nắng không chứa các chất bảo quản nên nguy cơ bị nhiễm nấm, vi khuẩn luôn hiện hữu. Vì vậy các loại kem này chỉ dùng được vài ngày sau khi làm.
Kết luận
Hiện tại chưa có các bằng chứng ủng hộ việc dùng kem chống nắng tự chế ở nhà. Các thông tin trên mạng xã hội hay các trang web chỉ mang tính chất tham khảo.
Thực tế là các loại kem chống nắng tự chế tự xưng là có chỉ số SPF30 hoặc hơn nhưng chỉ số đó chỉ là <6 khi được đo bằng các dụng cụ chuyên biệt.
Vấn đề tác dụng phụ của kem chống nắng tự chế như nguy cơ kích ứng, dị ứng, nổi mụn nhân trứng cá, bội nhiễm vi khuẩn, nấm, đặc biệt là tăng khả năng hấp thu Zn2+ từ đó gây hại cho cơ thế của chúng ta là có.
Từ những điều trên các bác sĩ Pema khuyến cáo mọi người không dùng kem chống nắng tự chế mà thay vào đó hãy dùng các kem chống nắng đã được kiểm nghiệm và đo chỉ số SPF chính xác để bảo vệ làn da của mình nhé.
Xin cảm ơn tất cả các bạn và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của Pema nhé!
Tài liệu tham khảo
Merten et al (2019). Pinterest Homemade Sunscreens: A Recipe for Sunburn. Health Communication, 1-6. doi:10.1080/10410236.2019.1616442.
Couteau, C., Dupont, C., Paparis, E., & Coiffard, L. J. M. (2020). Demonstration of the dangerous nature of “homemade” sunscreen recipes. Journal of Cosmetic Dermatology. doi:10.1111/jocd.13783
Kaur CD, Saraf S. In vitro sun protection factor determination of herbal oils used in cosmetics. Pharmacognosy Res. 2010; 2:22-25.
Thune P. Contact and photocontact allergy to sunscreens. Photodermatol. 1984; 1:5-9.