fbpx

Viêm da cơ địa mùa hanh khô – Chăm sóc thế nào cho đúng?

 

Mùa đông được coi là “mùa tái phát” viêm da cơ địa bởi thời tiết hanh khô và độ ẩm trong không khí rất thấp. Những triệu chứng khó chịu mà viêm da cơ địa gây ra mang đến rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân. Hiểu được những trở ngại này, các bác sĩ của Pema muốn chia sẻ những cách chăm sóc viêm da cơ địa mùa hanh khô để giúp các bạn tự kiểm soát bệnh của mình một cách tốt nhất.

Vì sao viêm da cơ địa dễ tái phát khi trời hanh khô

Viêm da cơ địa tiếng Anh là Atopic Dermatitis, hay còn được gọi là chàm thể tạng, eczema thể địa. Đây là tên gọi cho tình trạng viêm da mãn tính có liên quan mật thiết đến yếu tố cơ địa và hệ miễn dịch. Đây là một trong những thể lâm sàng của bệnh chàm – eczema.

Nguyên nhân khiến viêm da cơ địa dễ tái phát khi trời hanh khô do chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên làm cho da bị khô.

Bình thường da tiết ra những chất hữu cơ (chất béo tự nhiên) cùng với mồ hôi giúp da nhờn, đàn hồi chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn… Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các chất béo tự nhiên khiến da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa.

Đặc biệt, vào mùa đông nhiều người có thói quen tắm nước quá nóng, sử dụng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao, do đó càng làm tăng mức độ mất nước ở da, làm da ngứa hơn trước. Càng ngứa, càng gãi nhiều, tổn thương da càng nghiêm trọng, bệnh tái phát và khó điều trị hơn.

Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các chất béo tự nhiên khiến da bị khô và nứt nẻ sinh ngứa

Triệu chứng viêm da cơ địa mùa hanh khô

Viêm da cơ địa hay bị nhầm lẫn với viêm da tiếp xúc và viêm da dị ứng, đặc biệt là viêm da cơ địa mùa hanh khô. Đa số những bệnh liên quan đến viêm da đều có những triệu chứng cơ bản. Có thể kể đến như ngứa tại vùng da nhiễm bệnh, mẩn đỏ, gây khó chịu. Tuy nhiên, với viêm da cơ địa sẽ có những triệu chứng đặc trưng khác. Cụ thể như sau:

  • Nổi mề đay: Đây là triệu chứng cơ bản nhất. Bạn sẽ cảm thấy ngứa ngáy và xuất hiện các vùng mề đay trên cơ thể, phổ biến nhất là cổ, tay, chân…
  • Da sưng, phù nề: Cùng với biểu hiện ngứa ngáy, nổi mề đay, da sưng, phù nề cũng là triệu chứng thường thấy trong viêm da cơ địa mùa hanh khô này. Những vùng da bị nhiễm khuẩn sẽ bị sưng, phù nề hơn sau khoảng 3, 4 ngày phát bệnh.
  • Mẩn đỏ: Đây là biểu hiện tất yếu khi bị viêm da cơ địa. Đặc biệt, với tình trạng da bị viêm, dị ứng, các vết ngứa sẽ đỏ hơn và nổi mẩn trên da.
  • Đóng vảy: Hiện tượng đóng vảy là một hiện tượng không quá hiếm gặp ở người bị viêm da cơ địa. Thông thường, các vùng da bị tổn thương sẽ đóng vảy, đó là lớp da chết bên ngoài bị bong ra khỏi bề mặt da, làm cho da đã yếu, nhạy cảm lại càng yếu và nhạy cảm hơn.
Viêm da cơ địa hay bị nhầm lẫn với viêm da tiếp xúc và viêm da dị ứng

Cách chăm sóc viêm da cơ địa mùa hanh khô

Chữa trị viêm da cơ địa chưa bao giờ là dễ dàng bởi nó được coi là bệnh mãn tính. Vì vậy, ngoài việc tin tưởng vào phác đồ điều trị của bác sĩ, các bạn cần biết cách chăm sóc cũng như phòng tránh đúng và khoa học. Giúp việc kiểm soát và điều trị bệnh được tốt nhất.

Cách chăm sóc

Bôi đủ lượng kem dưỡng ẩm

Qua quá trình điều trị cho rất nhiều bệnh nhân viêm da cơ địa, Pema thấy sai lầm phổ biến nhất của các bạn là bôi không đủ lượng kem dưỡng ẩm cần thiết cho một ngày. Với người lớn, bạn cần bôi một lượng là 250-500g/tuần. Với trẻ em thì số lượng là 100-200g/tuần.

Việc bôi đủ số lượng như vậy sẽ giúp giảm triệu chứng ngứa, đồng thời giảm tỉ lệ tái phát viêm da cơ địa.

Ngoài việc bôi đủ số lượng, các bạn nên bôi dưỡng ẩm 2 lần/ ngày. Vì các chất dưỡng ẩm có thể lưu lại trên da 8-12 tiếng. Tuy nhiên, với thời tiết hanh khô như hiện tại, bạn hoàn toàn có thể bôi nhiều lần trong ngày khi da có hiện tượng khô và ngứa.

Viêm da cơ địa mùa hanh khô
Bôi đủ số lượng sẽ giúp giảm triệu chứng ngứa, đồng thời giảm tỉ lệ tái phát viêm da cơ địa.

Lưu ý: Nhiều bạn khi thấy các triệu chứng viêm da cơ địa thuyên giảm hay không còn nữa thì dừng việc bôi dưỡng ẩm. Điều này là hoàn toàn không nên! Chúng ta vẫn nên tiếp tục bôi kem dưỡng ẩm duy trì hàng ngày để làm giảm và phòng tránh bệnh tái phát trở lại.

Chọn kem dưỡng ẩm phù hợp với thời tiết

Vào những ngày đặc biệt hanh khô, độ ẩm dưới 60%, các bạn nên chọn những loại kem dưỡng ẩm theo cơ chế bít. Khi bôi lên da có tác dụng như 1 lớp mảng mỏng, ngăn chặn mất nước qua da: Petrolatum (vaselin), mineral oil, parafin, lanolin, dẫn xuất silicone (dimethicone, cyclomethicone), squalen, propylene glyceron, stearyl stearate,…

Pema sẽ recommend cho các bạn một loại rất phổ biến, giá thành rẻ và vô cùng hiệu quả đó là vaselin. Các bạn có thể bôi bất kì loại vaselin nào, nồng độ càng cao khả năng giữ ẩm và phục hồi càng tốt.

Với những ngày độ ẩm cao (trời nồm), thì việc sử dụng vaselin lại gây bí cho da, đôi khi phản tác dụng. Lúc này lựa chọn phù hợp là các dạng cream hay dung dịch với cơ chế phục hồi là các chất làm mềm (Emollient). Tuy nhiên, với những bạn da quá khô vẫn nên ưu tiên dưỡng ẩm theo cơ chế bít (vaselin).

 

Viêm da cơ địa mùa hanh khô
Vaseline là loại dưỡng ẩm vô cùng hiệu quả với bệnh viêm da cơ địa

Sử dụng thuốc bôi/ uống khi cần thiết

Khi các bạn không thể kiểm soát viêm da cơ địa bằng phương pháp dưỡng ẩm thông thường thì chúng ta phải sử dụng các loại thuốc điều trị. Việc sử dụng thuốc bắt buộc phải có sự tư vấn và kê đơn từ các bác sĩ da liễu. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc các bạn nhé! Nhất là bôi các thuốc kháng sinh và corticoid lên bề mặt da vì làm hạn chế việc điều trị chính thống sau này.

Một số loại thuốc thường dùng cho bệnh nhân viêm da cơ địa trong mùa hanh khô này:

  • Thuốc corticosteroid: rất có hiệu quả đối với viêm da cơ địa nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu dùng lâu dài, do vậy cần có chỉ định chặt chẽ.
  • Các thuốc chống viêm khác không phải corticosteroid như tacrolimus có thể thay thế corticosteroid mà không gây các tác dụng phụ như thuốc này và có thể dùng lâu dài, thuốc có thể chống viêm và chống ngứa.
  • Uống kháng histamin chống ngứa.
  • Một số trường hợp nặng có thể uống corticoid, nhưng cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.
  • Các phương pháp điều trị khác: UVA, UVB, các thuốc như cyclosporin…

Cách phòng tránh

  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như mỹ phẩm, hóa chất, các loại thực phẩm.
  • Khi thời tiết hanh khô, chuyển mùa, cần cảnh giác bệnh xuất hiện hoặc tái phát. Khi thấy dấu hiệu bệnh xuất hiện, nên đi khám ngay.
  • Giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ tốt.
  • Bệnh nhân bị viêm da cơ địa nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh.
  • Nên uống đủ nước mỗi ngày và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất để tăng cường sức đề kháng.

Viêm da cơ địa được coi là bệnh mãn tính. Đặc biệt, căn bệnh này rất dễ tái phát bởi các dị nguyên trong môi trường sống và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, căn bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát nếu có biện pháp phòng ngừa, chăm sóc và điều trị đúng cách. Những thông tin hữu ích mà Pema chia sẻ về viêm da cơ địa mùa hanh khô sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức về “căn bệnh phiền toái” này!

Chúc các bạn dưỡng da an toàn!

 

18008048