Mùa hè chuẩn bị bước vào thời điểm nóng bức nhất đồng nghĩa với việc nguy cơ bỏng nắng sẽ tăng lên. Các bác sĩ Pema cung cấp cho các bạn một thông tin có lẽ khiến bạn rùng mình: khi bị bỏng nắng 1 lần trong đời, nhất là khi còn trẻ nguy cơ mắc ung thư da hắc tố (một loại ung thư da ác tính nhất) sẽ tăng lên trung bình khoảng 2 lần, có nghiên cứu thấy rằng nguy cơ này tăng lên tới hơn 7 lần. Đó mới là một thông tin nho nhỏ thôi, mời các bạn đọc tiếp các thông tin tiếp theo cùng với Pema nhé!
Mục lục
Bỏng nắng là gì?
Bỏng nắng là tình trạng viêm cấp tính thoáng qua của da sau khi tiếp xúc quá mức với tia cực tím từ ánh nắng. Biểu hiện của bỏng nắng bao gồm cảm giác bỏng rát và đỏ vùng da tiếp xúc với ánh sáng, một số trường hợp có thể xuất hiện mụn nước và bọng nước. Cả tia UVA và UVB đều có thể gây ra bỏng nắng, nhưng chủ yếu do tia UVB.
Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây ra bỏng nắng
Như đã đề cập ở trên nguyên nhân của bỏng nắng là do tiếp xúc quá mức với tia cực tím trong ánh nắng. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng tia cực tím đến được và gây hại cho da chúng ta bao gồm:
Cường độ tia cực tím cao: cường độ tia cực tím trong ngày phụ thuộc rất nhiều yếu tố bao gồm thời gian, địa điểm, vị trí và thời tiết. Thời điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều là khoảng thời gian mà cường độ tia cực tím cao nhất. Mật độ đám mây: trời càng ít mây thì lượng tia cực tím từ vũ trụ chiếu đến trái đất càng nhiều do đó nguy cơ tiếp xúc tia UV càng cao. Độ cao so vơi mặt đất: càng cao thì khả năng tiếp xúc nhiều với tia cực tím tăng lên. Vị trí địa lý: những vùng đất ở gần đường xích đạo có cường độ tia cực tím cao hơn so với các vùng đất khác dó đó khả năng bỏng nắng cao hơn.
Thuốc: một số thuốc có tác dụng làm da trở nên tăng nhạy cảm với ánh sáng nên làm tăng nguy cơ bỏng nắng gồm: kháng sinh nhóm tetracyclin (đặc biệt là doxycyclin), lợi tiểu thiazide, nhóm thuốc sulfonamide, nhóm kháng sinh fluoroquinolone, các thuốc chống viêm không steroid, các loại retinoid (nhất là isotretinoin trong điều trị mụn trứng cá) và một số thuốc khác…
Tầng Ozone: tầng Ozone có tác dụng ngăn cản tới 90% tia UVB tia đến bề mặt trái đất do đó có vai trò to lơn trong việc bảo vệ chúng ta khỏi bỏng nắng, tuy nhiên do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, một số vùng trên trái đất tầng Ozone bị thủng do đó tăng nguy cơ bỏng nắng ở những vùng đó.
Type da: người có type da sáng màu khả năng bị bỏng nắng càng cao, cụ thể những người tuýp da I, II rất dễ bị bỏng nắng, tuýp da III, IV có thể bị bỏng nắng còn những người tuýp da V, VI gần như không bao giờ bị bỏng nắng. Người Việt Nam chủ yếu có tuýp da III, IV nên có thể bị bỏng nắng nhưng ít gặp hơn người da trắng.
Rám nắng: trong cùng 1 tuýp da những người dễ bị rám nắng thì nguy cơ bị bỏng nắng cao hơn.
Biểu hiện của bỏng nắng như thế nào?
Thông thường bỏng nắng không xuất hiện ngay sau khi đi nắng về mà thường sau khoảng vài giờ có khi 1-2 ngày mới xuất hiện triệu chứng, đỉnh điểm của bỏng nắng thường sau khoảng 8-12 tiếng.
Điều này được giả thích như sau: sau khi tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao và thời gian dài, các tia UVB sẽ chịu trách nhiệm gây tổn hại trực tiếp DNA bằng cách tạo ra các chất dimer thymine-thymine cyclobutane, khi những dimer này được hình thành, cơ thể tạo ra phản ứng sửa chữa DNA bao gồm chết tế bào theo chương trình và giải phóng các chất tiền viêm như prostaglandin, các gốc tự do và bradykinin, chính các chất này đã gây ra hiện tượng giãn mạch, giải phóng các chất gây viêm như CXCL5, histamin… gây ra các triệu chứng của bỏng nắng.
Như vậy trường hợp điển hình của một ca bỏng nắng sẽ là: sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không dùng các biện pháp bảo vệ sẽ xuất hiện các triệu chứng bỏng rát, nóng đỏ, phù nề vùng da tiếp xúc với ánh nắng, có thể kèm theo cảm giác ngứa và châm chích.
Ở một số người có thể hình thành các mụn nước, bọng nước ở vùng da tổn thương; trong những trường hợp nặng bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng toàn thân như buồn nôn, sốt và cảm giác ớn lạnh.
Cách xử trí khi bị bỏng nắng.
Nếu như không may bạn bị bỏng nắng hãy làm theo các bước hướng dẫn của bác sĩ Pema ở dưới đây nhé:
Với các trường hợp bỏng nắng nhẹ có thể tự hết sau một vài ngày mà không cần can thiệp gì. Tuy nhiên, để giảm bớt các cảm giác khó chịu của bóng nắng bạn có làm như sau:
- Tránh tiếp xúc thêm với ánh nắng.
- Ngâm vùng da bị tổn thương với nước lạnh giúp làm giảm cảm giác bỏng rát châm chích.
- Sau đó bôi các kem dưỡng ẩm có tác dụng làm dịu như kem lô hội…
- Có thể bôi hydrocortisone để giảm viêm, đỏ và châm chích.
- Trường hợp đau nhiều có thể uống thêm các thuốc giảm đau chống viêm không steriod như paracetamol.
- Trường hợp da xuất hiện các bọng nước căng to bạn có thể chọc bọng nước và đắp gạc tẩm dung dịch jarrish hoặc nước muối sinh lý.
- Bạn cũng đừng quên phải uống nhiều nước để hạn chế tình trạng mất nước của da.
Trong trường hợp bỏng nắng nặng: tổn thương da lan rộng với nhiều bọng nước lan toả hoặc xuất hiện các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, sốt, ớn lạnh thì bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị và chăm sóc tốt nhất.
Trong trường hợp này các bác sĩ sẽ thăm khám để đánh giá tình trạng rối loạn nước điện giả cho bạn để bổ sung, điều chỉnh đồng thời đánh giá tình trạng tổn thương da để có phương án chăm sóc tốt nhất giúp chóng hồi phục.
Ở giai đoạn sau của bỏng nắng da của bạn sẽ khô và bong vảy, tăng sắc tố, lúc này bạn cần bôi kem dưỡng ẩm ngày nhiều lần để giúp làn da của mình trở về trạng thái mịn màng như ban đầu nhé.
Làm thế nào để phòng tránh bỏng nắng?
Để không bị bỏng nắng cách phòng tránh hiệu quả nhất là không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hoặc dùng các biện pháp chống nắng hiệu quả. Do vậy để phòng tránh bị bỏng nắng chúng ta cần thực hiện những điều giúp hạn chế việc xâm nhập của ánh nắng lên da bao gồm:
- Tránh ra ngoài ánh nắng nhiều nhất có thể, đặc biệt các thời điểm mà cường độ tia cực tím cao nhất là từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
- Trong trường hợp vẫn phải ra ngoài trời nắng bạn cần tuân thủ các phương pháp tránh nắng sau:
- Đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, kính râm và áo chống nắng (tham khảo bài viết cách chọn kính, quần áo chống nắng).
- Bôi kem chống nắng đúng và đủ: bôi lượng kem đủ và thời gian bôi tốt nhất là 15-30 phút trước khi ra ngoài, bôi lại sau mỗi 2-3 tiếng (Tham khảo bài cách bôi chống nắng đúng tai đây).
- Trường hợp bạn đang uống các thuốc làm tăng nhạy cảm với ánh nắng như isotretinoin, kháng sinh doxycyclin …bạn càng phải chống nắng tốt hơn hoặc có thể tạm dừng thuốc một vài ngày trước khi ra nắng ví dụ như bạn có kế hoạch đi biển, bạn có thể dừng thuốc này một vài ngày trước khi đi.
Bên cạnh các phương pháp trên thì viên uống chống nắng và vitamin C cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa tình trạng bỏng nắng.
Một nghiên cứu gần đây trên người chỉ ra rằng liều cao vitamin D3 (200.000 UI) có tác dụng làm giảm phản ứng bỏng nắng. Do đó nếu bạn sắp phải đi du lịch biển trong mùa hè hoặc đi làm việc đến những vùng nắng nóng hay thủ sẵn cho mình kem chống nắng, viên uống chống nắng và vitamin C và có thể uống liều cao Vitamin D để bảo vệ làn da của mình tối ưu nhất (tham khảo bài uống chống nắng)
Bên cạnh cường độ ánh nắng thì thời gian tiếp xúc cũng vô cùng quan trọng, bạn ở ngoài nắng càng lâu thì lượng tia cực tím hấp thụ vào da càng nhiều và nguy cơ bỏng nắng càng cao do đó chúng ta không nên ở liên tục ngoài nắng trong thời gian dài. Nếu công việc đòi hỏi thì chúng ta cũng nên cho làn da chúng ta nghỉ ngơi bằng cách đi vào trong bóng râm xen kẽ những lúc ở ngoài trời.
Bỏng nắng nói lên điều gì?
Một điều vô cùng quan trọng đó là một số bạn cho rằng phần lớn các trường hợp bỏng nắng chỉ là thoáng qua làn da của bạn sẽ hồi phục về trạng thái bình thường nên không có gì phải đáng lo ngại.
Bạn hoàn toàn nhầm rồi bạn nhé bỏng nắng chỉ là một tác hại của ánh nắng mà bạn có thể nhận biết được sớm bên cạnh rám nắng, nó phản ánh hiện thực da chúng ta đã bị tia UV tấn công quá mức, còn vô số tác hại lâu dài của tia UV mà chúng ta không thể cảm nhận ngay được đó là lão hoá da, nám da, tàn nhang, đồi mồi, ung thư da và sự bùng phát của một số bệnh da nhạy cảm ánh sáng như lupus ban đỏ, porrphirin da ( tham khảo thêm tác hại của ánh nắng tại đường linh này)…
Một khi bạn bị bỏng nắng đồng nghĩa là các tác hại kia của ánh nắng cũng đang âm ỉ hình thành trong bạn mà bạn chưa nhận biết ngay được. Như vậy bỏng nắng thực ra là một dấu hiệu quan trọng để chúng ta nhận biết được rằng da chúng ta chưa được bảo vệ đúng cách từ đó chúng ta có thể tìm kiếm các giải pháp để nâng niu làn da của chúng ta hơn.
Và đặc biệt như đã giới thiệu ở phần đầu tiên, khi bị bỏng nắng 1 lần trong đời, nhất là khi còn trẻ nguy cơ mắc ung thư da hắc tố (một loại ung thư da ác tính nhất) sẽ tăng lên trung bình khoảng 2 lần, có nghiên cứu thấy rằng nguy cơ này tăng lên tới hơn 7 lần.
Nguy cơ của các ung thư da khác như ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai cũng tăng lên nếu bạn bị bỏng nắng 1 lần trong đời (tuy nhiên, nguy cơ của các ung thư da này liên quan nhiều đến thời gian tiếp xúc lâu dài với ánh nắng hơn là bỏng nắng).
Kết luận
Bỏng nắng không chỉ đơn thuần là những cảm giác khó chịu ngoài da sau khi đi nắng mà nó là dấu hiệu phản ánh tình trạng da của chúng ta đã bị tác động quá mức bởi tia UV.
Một lần bị bỏng nắng trong đời nguy cơ ung thư da của bạn tăng lên rõ, đặc biệt với các em bé. Chính vì vậy chúng ta không chỉ chăm chăm bảo vệ da của chính mình mà cần bảo vệ làn da của các con nữa.
Trên đây là những thông tin về tình trạng bỏng nắng, chúng tôi hi vọng những thông tìn này sẽ giúp ích cho các bạn. Nếu có câu hỏi nào các bạn comment bên dưới hoặc liên hệ qua… để đội ngũ bác sĩ PEMA chúng tôi tư vấn được tốt hơn nhé. Hẹn gặp các bạn trong các bài viết tiếp theo.
Tài kiệu tham khảo
Karla C. Guerra; Katelyn Urban; Jonathan S. Crane, (2020). Sunburn, National center for Biotechnology Ìnormation, November 20, 2020. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534837/.
Antony R Young, AngelanTewari, et al (2020). Sunburn, Uptodate.com. tháng 8 năm 2020. https://www.uptodate.com/contents/sunburn
Yeager DG1, Lim HW2. What’s New in Photoprotection: A Review of New Concepts and Controversies. Dermatol Clin. 2019 Apr;37(2):149-157 doi: 10.1016/j.det.2018.11.003. Epub 2019 Feb 16.
Køster B, Meyer M, Andersson T, Engholm G, Dalum P. Development in sunburn 2007-2015 and skin cancer projections 2007-2040 of campaign results in the Danish population. Medicine (Baltimore). 2018;97(41):e12738. doi:10.1097/MD.0000000000012738