fbpx

Viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng là gì? Biểu hiện và cách phòng tránh

Mùa hè đến, nếu bạn được tắm trên một bãi biển trong xanh đầy sóng và gió thì còn gì bằng. Nằm trải mình trên bờ biển, nhấm nháp chút mực nướng, làm một cốc bia lạnh thì đúng là… phê.

Nhưng đó chỉ là giấc mơ tại thời điểm hiện tại khi mà dịch Covid đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Các bác sĩ Pema tin tưởng rằng chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch và ước mơ nằm trải dài trên bãi biển Nha Trang sẽ không còn xa nữa.

Tuy nhiên, khi đi biển đồng nghĩa với việc nguy cơ các bạn bị bỏng nắng, thâm da do nắng… tăng lên gấp đôi (các bạn đọc tác hại của ánh nắng tại bài viết sau). Và một trong những điều mà các bác sĩ Pema hay nhận được phàn nàn từ khách hàng thân yêu của mình là: sau khi đi biển về, da mặt, da tay, mu bàn tay, ngón tay của tôi bị vệt đen hoặc chấm đen ở 1 bên, đôi khi ở cả 2 bên. Hãy cùng các bác sĩ Pema tìm hiểu vấn đề này nhé!

Đầu tiên, các bạn biết tên bệnh đã nhé: viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng (Phytophotodermatitis). Tên này hơi khó nhớ và loằng ngoằng, vậy cùng Pema đơn giản hoá vấn đề này bằng các câu hỏi và câu trả lời sau nhé

1. Viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng là gì?

Là tình trạng khi cơ thể chúng ta bị thâm đen khi tiếp xúc hoặc uống chất nhạy cảm ánh sáng có chứa chất furocoumarin trong đó psoralen và angelicin là hay gặp nhất. Sau khi tiếp xúc với chất này làm da chúng ta dễ nhạy cảm với ánh nắng hơn → khi phơi nắng sẽ dễ gây hiện tượng đỏ da hoặc bọng nước sau đó chuyển thành giai đoạn thâm da. Vì vâỵ những phần da nào của chúng ta tiếp xúc với các chất nhạy cảm ánh sáng mới bị, trong đó mu tay và ngón tay hay gặp nhất.

Khi đi biển, nhất là tắm biển, bạn tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng mặt trời (do cát, nước biển phản xạ lại ánh sáng nên bạn phải nhận cường độ tia cực tím gần gấp đôi bình thường), khi đó chỉ cần tiếp xúc với những chất nhạy cảm ánh sáng có trong thực vật ở dưới đây bạn dễ bị xuất hiện phản ứng trên.

Nhiều bạn không đi biển nhưng các bạn tắm bể bơi ngoài trời, hoặc đi nắng vào thời điểm tia cực tím đỉnh điểm từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều nhất là vào ngày có chỉ số cực tím cao thì khả năng bị bỏng nắng và viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng cao hơn đó. Chỉ số cực tím là gì, chúng ta cần làm gì vào những ngày có chỉ số cực tím cao, mời các bạn xem bài viết tiếp theo của các bác sĩ Pema nhé.

2. Những thực vật nào gây ra hiện tượng viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng?

Họ cam: cam, chanh, cam bergamot (gây ra hiện tượng tăng sắc tố berloque ở những người sử dụng nước hoa chứa tinh dầu của loại cam này). Đây là nguyên nhân hay gặp nhất, nhiều khi các bạn cắt chanh vắt vào bát canh rau muống vô tình bị dính vào tay, sáng hôm sau đi nắng bạn có thể bị bỏng nắng sau đó bị viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng mà không hiểu lý do. Nhiều bạn dùng chanh, cam để xoa lên mặt để giảm thâm hoặc cho vào các sản phẩm để đắp mặt nạ vào buổi tối, hôm sau bạn không chống nắng kĩ thì vô hình chung da bạn lại càng bị thâm đen hơn do bị bắt nắng. Nhiều khi các bạn đi biển, tranh thủ buổi tối vào bar để nhâm nhi cốc cốc tai có chứa tranh, không mai bị “dây” vào tay thì ngày hôm sau đi biển khả năng bị thâm tay là rất cao.

Họ cà rốt: cà rốt, cây cần tây, cải dại, cây thì là, cây dill (giống thì là nhưng ở Châu Âu). Đây là nguyên nhân thứ 2 hay gặp gây viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng nên các bạn chú ý nhé.

Họ dâu tằm: cây vả tây.

Họ mao lương hay họ hoàng liên: hoa mao lương.

Họ cải: hương mù tạc (hay dùng khi ăn hải sản), củ cải.

Một số bệnh như bệnh bạch biến, giảm sắc tố sau viêm hay vảy nến… hiện tại vẫn còn dùng psoralen bôi hoặc uống để điều trị. Nhiều trường hợp sau khi bôi chất này xong rồi phơi nắng cũng gây hiện tượng bỏng nắng trước sau đó xuất hiện các vết thâm ở trên da như biểu hiện của viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng.

Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý rằng khi sử dụng thuốc này làm cho chúng ta tăng nguy cơ ung thư da về sau chính vì vậy cần được sự giám sát của bác sĩ Da liễu và chúng tôi các bác sĩ da liễu Pema sẽ đồng hành cùng với các bạn để có được làn da khoẻ, đẹp.

Cam và chanh là 2 nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng nhiều nhất. Có thể do các bạn khi vắt quả này bị dính vào tay hoặc vào mặt. Hoặc đôi khi trong các sản phẩm chăm sóc da tự chế, thức uống như cốc tai có chứa cam chanh. Bạn nào đã từng bị hiện tượng như thế này comment bên dưới bài viết nhé! 

Cam và chanh là 2 nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng nhiều nhất. Có thể do các bạn khi vắt quả này bị dính vào tay hoặc vào mặt
Cam và chanh là 2 nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng nhiều nhất. Có thể do các bạn khi vắt quả này bị dính vào tay hoặc vào mặt
Cần tây và cà rốt là một trong những nguyên nhân hay gặp gây nên viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng.

3. Biểu hiện của viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng như thế nào?

Đầu tiên các bạn tiếp xúc với các thực vật ở trên như cam, chanh, cà rốt, cần tây hay điều trị các bệnh về da bằng psoralene bôi hoặc uống sẽ làm cho da của chúng ta dễ mẫn cảm với nắng. Sau đó bạn tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời sau khoảng 30-120 phút chúng ta xuất hiện đỏ da, mụn nước hoặc bọng nước có thể kèm theo triệu chứng như đau rát, ngứa.

Sau đó 1 vài ngày cho tới vài tuần các bạn sẽ xuất hiện tăng sắc tố (thâm da) sau viêm. Hiện tượng này sẽ tồn tại vài tuần tới vài tháng say đó tự mất đi không để lại di chứng.

Với người da tối màu, trong đó có type da IV của người Việt Nam chúng ta, thường không xuất hiện hiện tượng đỏ da và mụn nước mà xuất hiện luôn hiện tượng thâm da. Những trường hợp này thường 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với ánh nắng mới xuất hiện đốm đen ở trên da.

Nhiều trường hợp bệnh nhân của chúng tôi nói với các bác sĩ của Pema rằng không tiếp xúc với các chất ở trên cũng như không đi biển mà vẫn bị viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng. Tuy nhiên, do các bạn vô tình tiếp xúc mà không nhớ mà thôi, và các bạn không cần đi biển, chỉ cần tiếp xúc đủ lượng cần thiết với ánh nắng là có thể da đã bị thâm hơn rồi.

 

Hình ảnh một bệnh nhân nữ 22 tuổi bị viêm da tiếp ánh sáng xúc thực vật. Bệnh nhân này có tiếp xúc với chanh sau đó đi biển. Sau khoảng vài ngày xuất hiện thâm da thành từng đám, từng chấm ở mu tay, cẳng tay 2 bên
Hình ảnh một bệnh nhân nữ 22 tuổi bị viêm da tiếp ánh sáng xúc thực vật. Bệnh nhân này có tiếp xúc với chanh sau đó đi biển. Sau khoảng vài ngày xuất hiện thâm da thành từng đám, từng chấm ở mu tay, cẳng tay 2 bên
Hình ảnh cùng của bệnh nhân trên nhưng xuất hiện thêm tổn thương thâm ở vùng môi trên
Hình ảnh cùng của bệnh nhân trên nhưng xuất hiện thêm tổn thương thâm ở vùng môi trên

4. Điều trị viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng như thế nào?

Với các bạn ở giai đoạn bị bỏng nắng có thể điều trị bằng các phương pháp như: dùng thuốc chống viêm, cortioid bôi hoặc gel nha đam để giảm viêm. Chi tiết xin đọc bài viết bỏng nắng: nguyên nhân và cách điều trị bỏng nắng.

Với các bạn ở giai đoạn thâm da: chúng ta có thể yên tâm rằng đa số tình trạng trên sẽ tự hết sau 1 vài tháng mà không để lại di chứng.

Với trường hợp dai dẳng hoặc các bạn muốn da trở về bình thường nhanh hơn có thể dùng các phương pháp như: hydroquinon và dẫn xuất như arbutin…; corticoid bôi; lột; laser… Để biết chi tiết hơn mời mọi người các bài viết tiếp theo của các bác sĩ Pema về điều trị tăng sắc tố sau viêm nhé.

Nếu các bạn vẫn còn lo lắng có thể liên hệ với chúng tôi để nhận được những tư vấn tốt nhất về phòng bệnh và điều trị bệnh da cũng như chăm sóc da thẩm mỹ.

5. Vậy chúng ta dự phòng viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng như thế nào?

Đầu tiên chúng ta cần tránh tiếp xúc với các thực vật ở trên khi đi biển hoặc là đi ra ngoài nắng. Rất nhiều bạn dùng chanh, cần tây… để làm sáng da hay đắp mặt nạ. Trong những chất này không chỉ có những chất gây nhạy cảm ánh sáng ở trên mà còn chứa nhiều AHA gây bắt nắng nhưng lại chủ quan không chống nắng đầy đủ nên mặt rất dễ bị thâm đen.

Chính vì vậy khi các bạn tiếp xúc với các thực vật này hoặc dùng chúng để làm đẹp cần chống nắng rất tốt vào buổi sáng ngày hôm sau.

Thứ 2 chúng ta cần chống nắng tốt: mũ chống nắng, kính chống nắng, áo chống nắng và bôi kem chống nắng đúng cách để tránh bị bỏng nắng và hiện tượng trên nhé. Mời các bạn xem các bài viết tiếp theo của Pema về các chủ đề ở trên nhé.

Chắc đến đây các bạn đã hiểu được viêm da tiếp xúc thực vật ánh sáng là gì, biểu hiện ra sao, cách điều trị và phòng tránh như thế nào rồi. Các bạn theo dõi kênh của chúng tôi thường xuyên để cập nhật kiến thức y học thường thức về chăm sóc da hàng ngày nhé. Nếu có vấn đề, hay câu hỏi gì hãy comment dưới đây hoặc liên hệ với chúng tôi qua các kênh… để được tư vấn kĩ hơn nhé. Chúc mọi người có 1 mùa Covid an toàn!

Tài liệu tham khảo

1. Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên nghành da liễu, trang 780-782, tập 2.

2. Christina Greenaway. A tropical skin eruption. Can J Infect Dis Vol 13 No 2 March/April 2002

3. Ji Young Choi (2018). Asymptomatic Hyperpigmentation without Preceding Inflammation as a Clinical Feature of Citrus Fruits-Induced Phytophotodermatitis. Ann Dermatol Vol. 30, No. 1.

4. Abugroun A, Gaznabi S, Natarajan A, Daoud H. Lime-induced phytophotodermatitis. Oxf Med Case Reports. 2019;2019(11):470-472. doi:10.1093/omcr/omz113.

5. Ellis CR, Elston DM. Psoralen-Induced Phytophotodermatitis. Dermatitis. Published online December 1, 2020. doi:10.1097/DER.0000000000000691.

6. Walling AL, Walling HW. Phytophotodermatitis induced by wild parsnip. Dermatol Online J. 2018;24(2).

Leave a Comment

18008048