fbpx

Tác dụng phụ và độc tính của kem chống nắng

Kem chống nắng là một trong những mỹ phẩm “bất ly thân” của những ai muốn có một làn da khoẻ, đẹp. Nó là một trong những bước quan trọng nhất của chu trình chăm sóc da của chúng ta. Tuy nhiên, kem chống nắng cũng có những tác dụng phụ, mọi người cùng tìm hiểu cùng các bác sĩ của Pema để nhận biết cách phòng tránh và chọn được những kem chống nắng phù hợp và an toàn với chính bản thân mình nhé.

1. Kem chống nắng có hấp thu vào toàn thân hay không?

Vấn đề quan trọng nhất trong đánh giá mức an toàn của kem chống nắng đó là các hoạt chất chống nắng chỉ ở ngoài da và không được hấp thu vào đường tuần hoàn. Các bạn yên tâm là: các kem chống nắng vật lý như ZnO và Ti2O không bị hấp thụ đường toàn thân kể cả ở dưới dạng phân tử nhỏ.

Thông tin về hấp thu toàn thân của kem chống nắng hóa học còn hạn chế. Một nghiên cứu thử nghiệm trên người khỏe mạnh được bôi kem chống nắng có 1 trong các thành phần avobenzone, oxybenzone, octocrylene, hoặc ecamsule, với liều lượng 2mg/cm2 x 75% diện tích cơ thể x 4/lần/ngày x 4 ngày, trong thời gian đó 30 mẫu máu đã được lấy để định lượng nồng độ các chất này. Kết quả chỉ ra rằng nồng độ các chất này đều vượt ngưỡng quy định 0,5 ng/ml. Tuy nhiên, kết quả này cũng không bác bỏ khuyến cáo sử dụng kem chống nắng có các chất trên bởi vì: hầu như mọi người không thoa đủ lượng kem chống nắng như khuyến cáo, cũng như thường bôi ở diện tích nhỏ không nhiều như trong nghiên cứu trên và số lần sử dụng cũng thường ít hơn so với thử nghiệm. Các chất chống nắng hóa học còn lại hầu như không hấp thu toàn thân.

Từ các dữ liệu này chúng ta có thể thấy một số kem chống nắng hoá học vẫn có thể được hấp thu vào toàn thân với lượng nhỏ, chính vì vậy khi dùng kem chống nắng, bắt buộc các bạn phải tẩy trang, rửa mặt đi vào buổi tối, không được để kem chống nắng qua đêm nhé.

2. Kem chống nắng có gây kích ứng, dị ứng không?

Câu trả lời của các bác sĩ Pema là có nhé các bạn. Các hoạt chất hấp thụ tia cực tím có tính acid gây kích ứng mạnh như: PABA, amyl-dimethyl-PABA, benzophenone-10 hiện nay không được sử dụng trong các loại kem chống nắng.

Oxybenzone là hoạt chất chống nắng phổ rộng được sử dụng rộng rãi hiện nay là nguyên nhân gây kích ứng hay gặp nhất tuy nhiên tỷ lệ gặp dưới 0,1%. Một nghiên cứu lớn trên 24 nghìn bệnh nhân ở bắc mỹ chỉ ra rằng có 0,9% bệnh nhân mẫn cảm với kem chống nắng trong đó 3 thành phần gây dị ứng hàng đầu trong kem chống nắng là benzophenone-3, DL-alpha-tocopherol và nước hoa.

Kem chống nắng hoá học có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, hay đôi khi viêm da tiếp xúc dị ứng ánh sáng (tức là khi ra ngoài nắng bị phản ứng mạnh hơn, trái ngược lại với tác dụng chống nắng của chính bản thân nó). Với những bạn bị kích ứng, dị ứng với kem chống nắng hoá học thì kem chống nắng thuần vật lý là một lựa chọn tối ưu.

3. Kem chống nắng có ảnh hưởng tới hệ nội tiết của chúng ta hay không?

Mọi người cùng tham khảo một vài nghiên cứu khoa học về chủ đề này cùng với các bác sĩ của Pema nhé. Một vài nghiên cứu trong ống nghiệm và nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng avobenzone có ảnh hưởng lên hormon sinh dục như estrogen và androgen. Trong một nghiên cứu trên cá chỉ ra rằng: phơi nhiễm lâu dài với avobenzone gây ra giảm sản xuất trứng cá và tăng tỉ lệ trứng cá bị hỏng. Tác dụng lên estrogen phụ thuộc liều đã được quan sát thấy ở chuột khi chuột được uống nước có chứa nồng độ avobenzone (1500mg/kg/ngày).

4. Vậy tác động của kem chống nắng lên hệ nội tiết ở người thế nào?

  • Người ta ước tính rằng nếu 1 người bôi kem chống nắng có chứa avobenzone với hàm lượng 2mg/cm2 trên dện tích da toàn bộ cơ thể cần 35 năm để đạt được nồng độ gây bệnh như trên chuột.
  • Một số nghiên cứu ngắn hạn đã chỉ ra rằng sử dụng kem chống nắng có chứa oxybenzone không làm thay đổi đáng kể chức năng nội tiết, sinh sản hoặc tuyến giáp.
  • Trong một nghiên cứu liên quan đến 15 nam và 17 phụ nữ sau mãn kinh, việc sử dụng kem chống nắng có chứa 1 trong 3 thành phần benzophenone-3, octyl-methoxycinnamate và 3- (4-methyl-benzylidene) dẫn tới sự xuất hiện trong huyết tương và nước tiểu của cả ba loại thành phần chống nắng trên nhưng không làm thay đổi hormone FSH và LH.
  • Trong một nghiên cứu khác ở 501 cặp vợ chồng đã ngừng sử dụng biện pháp tránh thai để mang thai, nồng độ benzophenone-2 và 4-hydroxybenzophenone trong nước tiểu có liên quan đến kéo dài thời gian mang thai. Tuy nhiên, phát hiện này phải được giải thích một cách thận trọng vì thiếu kiểm soát đối với các yếu tố gây nhiễu tiềm năng khác.
  • Hơn nữa kể từ khi phát hiện ra oxybenzone từ năm 1978 đến này chưa có tác dụng phụ toàn thân nào được phát hiện ở người

Từ các nghiên cứu trên chúng ta có thể thấy avobenzone và oxybenzone có thể gây ảnh hưởng tới nội tiết ở trên động vật và cần phải sử dụng một lượng lớn và trong một thời gian rất dài mới có thể gây ảnh hưởng tới nội tiết của chúng ta.

Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại các hoạt chất chống nắng thông thường vẫn chứng minh được tính an toàn và vẫn được FDA của Mỹ cấp phép sử dụng. Tuy nhiên, trong tương lai chúng ta cần đợi chờ những thành phần chống nắng an toàn hơn nữa cho cơ thể của chúng ta.

5. Kem chống nắng có gây ung thư hay không?

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra các aminobenzoates có thể là tác nhân gây ung thư hơn nữa tỷ lệ kích ứng, dị ứng cao do đó ngày nay aminobenzoates gần như không còn được sử dụng nữa. Thông tin này của Pema hi vọng sẽ xoá tan được tin đồn kem chống nắng hiện tại gây ung thư rồi các bạn nhé.

6. Kem chống nắng có gây ảnh hưởng môi trường hay không?

Oxybenzone và octinoxate gần đây được hạn chế dùng ở Hawaii do 2 chất này có khả năng làm trắng san hô. Điều này giải thích là san hô không thể tổng hợp được sắc tố do thiếu ánh sáng mặt trời (do 2 chất này đã phản xạ, tán xạ ánh sáng mặt trời tới san hô).

Vì vậy một số kem chống nắng hiện tại có ghi là an toàn với môi trường tức là không có chứa oxybenzone và octinoxate nhé mọi người.

7. Dùng kem chống nắng có bị thiếu vitamin D hay không?

Chúng ta biết rằng UVB chịu trách nhiệm chính trong việc tổng hợp vitamin D ở da. Chính vì thế rất đơn giản khi đặt ra câu hỏi: liệu khi dùng kem chống nắng tôi có bị nguy cơ thiếu vitamin D hay không?

Tuy nhiên chưa có thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên hoặc theo dõi trong thời gian dài chứng minh kem chống nắng làm giảm đáng kể vitamin D. Một vài nghiên cứu trên mô hình thiết lập đã chỉ ra rằng nếu như bôi đủ lượng kem chống nắng trước khi tiếp xúc với tia UVB dẫn tới giảm sản xuất vitamin D.

Những đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin D hơn khi dùng kem chống nắng: trẻ em ít được bú mẹ, người già, bệnh nhân có hội chứng kém hấp thu, béo phì. Do đó, những bệnh nhân trên mà tuân thủ chế độ chống nắng nghiêm ngặt thì chúng ta cần bổ sung vitamin D: với người 0-12 tháng 400 đơn vị/ngày, 1-70 tuổi 600 đơn vị/ngày, >70 tuổi 800 đơn vị/ngày. Các bạn nhớ nhé: những bệnh nhân đối tượng nguy cơ cao mà TUÂN THỦ CHẾ ĐỘ CHỐNG NẮNG NGHIÊM NGẶT mới cần bổ sung vitamin D nhé.

Kết luận

– Trên đây là 6 tác dụng phụ có thể ảnh hưởng tới toàn thân của kem chống nắng. Các bác sĩ Pema đã viết và biên soạn dựa trên các cơ sở khoa học.

– Các tin đồn về kem chống nắng có thể gây ung thư, kem chống nắng gây ảnh hưởng nội tiết đã được chúng tôi xoá bỏ dựa trên lập luận khoa học. Tuy nhiên, khi dùng kem chống nắng các bạn vẫn có nguy cơ bị hấp thụ toàn thân nên chúng ta cần phải tẩy sạch trước khi đi ngủ. Kem chống nắng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng toàn thân nên khi có biểu hiện của kích ứng, dị ứng hãy liên hệ với chúng tôi, các bác sĩ Pema sẽ giúp các bạn xử lý và lựa chọn kem chống nắng phù hợp. Và vấn đề cuối cùng khi dùng chống nắng nghiêm ngặt, kéo dài trên những đối tượng có nguy cơ cao thiếu vitamin D như trẻ em ít được bú mẹ, người già, bệnh nhân có hội chứng kém hấp thu, béo phì chúng ta cần có biện pháp bổ sung vitamin D phù hợp nhé.

– Một chủ đề nữa cũng khá thú vị mà chúng tôi chưa đề cập ở đây là khi sử dụng kem chống nắng các bạn có thể có một số phàn nàn như: kem chống nắng gây cay mắt, gây mụn trứng cá, gây dính…

Tài liệu tham khảo

Wang SQ, Balagula Y, osterwalder U (2010). Photoprotection: a review of the current and future technologies. Dermatol ther, Jan-Feb;23(1):31-47. doi: 10.1111/j.1529-8019.2009.01289.x.

Yeager DG1, Lim HW2. What’s New in Photoprotection: A Review of New Concepts and Controversies. Dermatol Clin. 2019 Apr;37(2):149-157 doi: 10.1016/j.det.2018.11.003. Epub 2019 Feb 16.

Gasparro FP1, Mitchnick M, Nash JF. A review of sunscreen safety and efficacy. Photochem Photobiol. 1998 Sep;68(3):243-56.

Mukund Manikrao Donglikar1 and Sharada Laxman Deore2* Sunscreens: A review. Pharmacogn. J. DOI: 10.5530/pj.2016.3.1.

De Gálvez MV, Aguilera J, Buendía EA, Sánchez-Roldán C, Herrera-Ceballos E. Time required for a standard sunscreen to become effective following application: a UV photography study. JEur Acad Dermatology Venereol. 2018;32(4):e123-e124. doi:10.1111/jdv.14626

Bodekær M, Åkerström U, Wulf HC. Accumulation of sunscreen in human skin after daily applications: a study of sunscreens with different ultraviolet radiation filters. Photodermatol Photoimmunol Photomed. 2012;28(3):127- 132. doi:10.1111/j.1600-0781.2012.00651.x

Li H, Colantonio S, Dawson A, Lin X, Beecker J. Sunscreen Application, Safety, and Sun Protection: The Evidence. J Cutan Med Surg. 2019;23(4):357-369. doi:10.1177/1203475419856611.

Leave a Comment

18008048