Dưới góc độ khoa học vàng da có nhiều nguyên nhân như: bệnh lý máu, bệnh lý gan mật, hay một trong những nguyên nhân hay gặp nữa đó là do ăn, uống quá nhiều vitamin A gây nên bệnh vàng da do tăng caroten trong máu. Các bác sĩ của Pema gặp khá nhiều bệnh nhân đến trong tình trạng vàng da lòng bàn tay bàn chân.
Qua khai thác chúng tôi thấy đa phần bệnh nhân là nữ trẻ tuổi có thói quen ăn nhiều hoa quả chứa nhiều vitamin A hoặc uống các thuốc chống oxy hoá để làm đẹp da. Mọi người cùng tìm hiểu về bệnh vàng da do tăng vitamin A quá nhiều trong máu cùng bác sĩ Pema nhé.
Mục lục
1. Vàng da do tăng caroten trong máu (Hypercarotenemia) là gì?
Đầu tiên các bạn biết carotenoid là tiền chất của vitamin A. Trong tự nhiên, carotenoid có sẵn trong cơ thể thực vật và các loài sinh vật quang hợp khác như: tảo, một số loài nấm hoặc vi khuẩn. Công thức cấu tạo chung gồm 40 nguyên tử carbon được chia thành 8 đơn vị isopren, chứa nhiều liên kết đôi.
Do đó carotenoid có khả năng chống oxy hóa cao, chống lại các gốc tự nên có vai trò quan trọng trong chống lão hoá, giúp làn da chúng ta sáng hơn.
Hiện nay, người ta đã tìm được 600 loại carotenoid khác nhau và chia chúng thành hai nhóm chính: caroten và xanthophyll.
Tuy nhiên, trong đó chỉ có alpha-cryptoxanthin, alpha-caroten và chủ yếu là beta-caroten có khả năng chuyển hóa thành vitamin A dưới dạng hoạt động trong cơ thể của chúng ta. Nhu cầu vitamin A dưới dạng hoạt động phụ thuộc vào nhu cầu của cơ thể, khi cơ thể chúng ta không cần mà beta-caroten khá nhiều thì gây ra hiện tượng thừa caroten trong máu.
Vàng da do tăng caroten máu là bệnh lành tính, đa phần không điều trị có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh ảnh hưởng nhều đến thẩm mỹ.
2. Nguyên nhân gây bệnh vàng da do tăng caroten trong máu
Nguyên nhân gây bệnh vàng da do tăng caroten trong máu rất đa dạng, được chia làm bốn nhóm chính sau:
- Chế độ ăn dư thừa caroten là hay gặp nhất: thói quen ăn uống các loại thực phẩm có màu xanh/vàng/đỏ như: khoai lang, cà rốt, đu đủ, bông cải, đậu Hà Lan, ớt chuông …
- Một số thuốc, thực phẩm chức năng có thể gây vàng da tăng caroten máu như: viên dầu gấc, thuốc hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, các thuốc chống oxy hoá để làm đẹp da, viên uống chống nắng (chi tiết xem bài viết uống chống nắng, chèn link)…
- Rối loạn mỡ máu: tăng betalipoprotein nguyên phát hoặc thứ phát.
- Các bệnh lý gây giảm chuyển hóa caroten thành vitamin A như: đái tháo đường, suy giáp, tổn thương gan nguyên phát (viêm gan, chấn thương gan), tổn thương thận (viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư) và một số bệnh lý hiếm gặp khác như: biếng ăn tâm thần, rối loạn chuyển hóa caroten bẩm sinh do giảm, thiếu hụt enzym chuyển hóa.
Các nguyên nhân này có thể đơn thuần hoặc phối hợp trên cùng một bệnh nhân. Vì vậy, mặc dù đa phần các trường hợp vàng da do tăng caroten máu là lành tính, các bác sỹ vẫn nên chỉ định cho bệnh nhân làm các xét nghiệm sàng lọc, loại trừ các bệnh lý trên trong trường hợp nghi ngờ. Một số nghiên cứu cho rằng có mối liên quan giữa tăng caroten máu với bệnh lý: vô kinh (1), Alzheimer (2), amyloidosis hệ thống (3) và rối loạn vận động đường mật (4).
Cách phân loại thứ 2:
- Tăng caroten nguyên phát (đây là nguyên nhân hay gặp nhất): do chế độ ăn dư thừa caroten, uống các thuốc, thực phẩm chức năng có nhiều vitamin A.
- Tăng caroten thứ phát: do các bệnh lý tiềm ẩn gây rối loạn mỡ máu hoặc gây rối loạn chuyển hóa caroten thành vitamin A như đã đề cập ở trên. Những bệnh nhân ở nhóm này cần thiết phải làm các xét nghiệm đường máu, đánh giá chức năng tuyến giáp và chức năng gan thận.
3. Biểu hiện của bệnh vàng da do tăng caroten trong máu như thế nào?
Biểu hiện quan trọng nhất là vàng da: vàng da tập trung ở những khu vực có lớp sừng dày như lòng bàn tay, lòng bàn chân, da đầu, trán, rãnh mũi má.
Hiếm gặp vàng ở củng mạc mắt, niêm mạc miệng (khu vực thiếu lớp sừng). Màu sắc phân, nước tiểu bình thường. Củng mạc mắt, niêm mạc miệng không vàng, phân và nước tiểu bình thường là một trong những dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán phân biệt bệnh vàng da do tăng caroten trong máu với các bệnh về máu, bệnh lý gan mật.
Ngoài ra bệnh nhân không có các biểu hiện toàn thân khác: không sốt, không có rối loạn đại tiểu tiện, gan không to…
4. Có xét nghiệm nào chẩn đoán bệnh vàng da do tăng caroten trong máu hay không?
Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán:
- Đo nồng độ beta-caroten huyết thanh: tăng 3 – 4 lần so với trị số bình thường (250 – 500 mg/dl).
- Đo nồng độ caroten trong da: đo quang phổ Raman, phản xạ quang phổ học.
- Sinh thiết da: tự phát huỳnh quang ở lớp sừng.
- Đo nồng độ vitamin A huyết thanh: tăng nhẹ hoặc bình thường
- Định lượng nồng độ bilirubin máu.
Xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân: glucose máu, chức năng gan thận, đo hoạt độ hormon tuyến giáp.
5. Bệnh vàng da do tăng caroten trong máu có dễ nhầm với các bệnh lý khác hay không?
Vàng da do tăng bilirubin máu: vị trí vàng da tùy thuộc nồng độ bilirubin máu (phân độ Krammer), thường gặp củng mạc mắt vàng. Ngoài ra bệnh nhân còn có biểu hiện lách to…
Vàng da do bệnh lý gan mật: vàng đồng đều ở các vị trí, củng mạc mắt vàng. Kèm rối loạn khác như sốt, gan to…
Vàng da do tăng lycopene máu: có thể vàng niêm mạc vòm miệng ở bệnh nhân chế độ ăn giàu lycopene (chủ yếu rau củ màu đỏ như cà chua, dưa hấu…)
U vàng nếp gấp lòng bàn tay: vàng da ở cổ tay, nếp gấp lòng bàn tay, thường kèm theo rối loạn mỡ máu.
Vì bệnh vàng da do tăng caroten trong máu có thể nhầm với nhiều bệnh lý khác nhau, nên khi có bất kì biểu hiện vàng da nào bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.
6. Bệnh vàng da do tăng caroten trong máu điều trị như thế nào? Có nguy hiểm không?
Về cơ bản bệnh vàng da do tăng caroten trong máu là bệnh lý lành tính, nếu bạn dừng sử dụng các thực phẩm, thuốc có chứa vitamin A làn da của bạn sẽ sớm trở về bình thường.
Điều trị bệnh vàng da do tăng caroten trong máu theo nguyên nhân gây tăng caroten máu như giảm chế độ ăn, điều trị các bệnh lý kèm theo.
Nồng độ caroten máu trở về bình thường sau 6 – 11 ngày nhưng biểu hiện lâm sàng tồn tại lâu hơn, từ vài tuần đến vài tháng. Vì vậy bạn nên chấp nhận thực tế này nhé.
7. Kết luận
Bệnh vàng da do tăng caroten trong máu là bệnh lý khá thường gặp ở các tín đồ thích làm đẹp, các mẹ vừa sinh em bé xong có chế độ ăn quá nhiều vitamin A, hoặc ở những em bé có chế độ ăn thừa caroten.
Bệnh có biểu hiện rất đặc trưng là vàng da ở các vị trí như lòng bàn tay bàn chân, củng mạc mắt không vàng.
Bệnh có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác như tan máu, bệnh gan mật, u vàng… vì vậy nên được khám trực tiếp để làm các xét nghiệm loại trừ.
Bệnh lành tính, tự hết sau vài tháng mà không cần phải điều trị.
Trên đây là chia sẻ của các bác sĩ Pema về bệnh vàng da do tăng caroten trong máu, hi vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp nhiều bạn tránh được bệnh lý này. Nếu có câu hỏi gì các bạn có thể liên hệ trực tiếp với đội ngũ bác sĩ của Pema qua các kênh… để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời nhé.
Tài liệu tham khảo
- Martin-Du Pan RC., Hermann W., and Chardon F. (1990). Hypercarotenemia, amenorrhea and a vegetarian diet. J Gynecol Obstet Biol Reprod; 19(3): 290-4.
- S.Singh., G.P.Mulley., and M.S.Losowsky (1988). Carotenemia in Alzheimer’s disease. BMJ 297(6646): 458–459.
- Hůlková H1., Svojanovský J., Sevela K. et al (2014). Systemic AL amyloidosis with unusual cutaneous presentation unmasked by carotenoderma. Amyloid 21(1): 57-61
- Nishimura T., (1993). A correlation between carotenemia and biliary dyskinesia. J Dermatol 20(5): 287-92.