fbpx

Chỉ số tia cực tím là gì? tia cực tím gây hại cho da như thế nào?

Chúng ta đã biết được tác hại của tia cức tím hay còn gọi là tia tử ngoại lên làn da của chúng ta. Đồng thời chúng ta cũng biết được cường độ tia cực tím là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó. Chúng ta cũng biết tại một thời điểm nhất đinh, một địa điểm nhất định cường độ tia cực tím khác nhau. Vậy liệu có chỉ số nào để đánh giá được cường độ tia cực tím không? Pema xin bật mí cho các bạn là có nhé: đó chính là chỉ số tia cực tím.

Chỉ số tia cực tím là gì?

Chỉ số tia cực tím là một chỉ số đo lường theo tiêu chuẩn quốc tế về cường độ của bức xạ tia cực tím từ mặt trời tại một địa điểm và thời điểm cụ thể. Chỉ số tia cực tím là một công cụ hữu ích để căn cứ vào đó các nhà khoa học đưa ra các khuyến cáo hợp lý giúp người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ nhằm hạn chế tối đa tác dụng có hại của tia cực tím.

Chỉ số tia cực tím được phát minh lần đầu vào năm 1994 tại Hoa Kỳ bởi Trung tâm Thời tiết Quốc gia (NWS) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), giúp người dân lên kế hoạch cho các hoạt động ngoài trời để tránh tiếp xúc quá mức với bức xạ tia cực tím và do đó làm giảm nguy cơ bất lợi cho họ.
Năm 2002, tổ chức Y tế thế giới (WTO), tổ chức Khí tượng Thế giới, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) và Ủy ban Quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa đã thống nhất và đưa ra chỉ số tia cực tím toàn cầu để mang lại sự nhất quán trên toàn thế giới đối với cảnh báo tia cực tím và thông điệp về sức khỏe cho cộng đồng.

Chỉ số tia cực tím được tính toán như thế nào?

Chỉ số tia cực tím là chỉ số dự đoán dựa trên những tính toán có căn cứ về lượng bức xạ tia cực tím gây hại tại một địa điểm và một giờ cụ thể trong ngày.
Như chúng ta đã biết cường độ tia cực tím phụ thuộc rất nhiều yếu tố bao gồm: vĩ độ và ngày trong năm, độ dày tầng Ozone, độ cao so với mực nước biển, lượng mây che phủ, mức độ phản xạ bề mặt (tuyết, cát, nước…)

Vĩ độ và ngày trong năm: vĩ độ và ngày trong năm xác định góc thiên đỉnh của mặt trời. Đây là góc mà ánh sáng (bao gồm cả bức xạ cực tím) truyền qua bầu khí quyển. Góc thiên đỉnh thấp có nghĩa là đường đi trực tiếp xuyên qua khí quyển với lượng tương tác ít nhất với tầng ozone, dẫn đến lượng bức xạ cực tím tới bề mặt trái đất tương đối cao hơn.

Tầng Ozone: tầng Ozone có khả năng hấp thụ hoàn toàn UVC, phần lớn UVB nhưng không hấp thụ được tia UVA, tầng Ozone càng dày thì lượng tia UVB bị ngăn cản đến bề mặt trái đất càng lớn. Ở một số vùng trên trái đất, do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường làm cho tầng Ozone bị thủng thì tỷ lệ ung thư da ở các vùng đó tăng cao do người dân bị ảnh hưởng nhiều bởi tia xạ cực tím.

Độ cao so với mực nước biển: khi độ cao tăng lên, khoảng cách ánh sáng cực tím truyền qua bầu khí quyển giảm và cường độ của nó tăng lên (6-10% / 1000 feet). Điều này có nghĩa là khi chúng ta ở những vùng địa lý càng cao thì khả năng bị ảnh hưởng của tia cực tím càng lớn bạn nhé.

Lượng mây che phủ: các đám mây phản xạ, truyền hoặc hấp thụ bức xạ cực tím tùy thuộc vào độ dày của chúng theo cách khá giống với bức xạ nhìn thấy. Khi độ che phủ của mây tăng lên, lượng phản xạ tia cực tím tăng lên và độ truyền giảm do đó lượng bức xạ cực tím đến bề mặt trái đất giảm. Như vậy khi trời càng nhiều mây thì lượng tia cực tím tác động lên chúng ta ít nhưng nếu trời ít mây thì chúng ta cần che chắn tốt bởi vì lúc này lượng tia cực tím rất nhiều.

Mức độ phản xạ bề mặt: các bề mặt khác nhau có khả năng phản xạ tia cực tím khác nhau, cụ thể như sau: nước 5-7%; cỏ: 2,5-3%; cát: 20-30%; tuyết: 80-90%. Ở các bề mặt có khả năng phản xạ càng cao thì khả năng nhiễm tia cực tím càng nhiều. Như vậy chứng ta cần lưu ý trong các trường hợp như ở bãi biển mùa hè, ở bãi trượt tuyết vào mùa đông do cát và tuyết phản xạ tương đối lớn lượng tia cực tím do đó tỷ lệ nhiễm tia cực tím sẽ tăng lên đáng kể.

Trong công thức tính chỉ số tia cực tím, các nhà khoa học chỉ xem xét đến các yếu tố bao gồm: vĩ độ và ngày trong năm, tầng Ozone, lượng mây che phủ và độ cao so vơi mực nước biển mà không đề cập đến mức độ phản xạ bề mặt. Nhưng dù sao, cho đến thời điểm hiện tại đây là chỉ số đáng tin nhất để dự báo về lượng bức xạ tia cực tím gây hại.

Quy ước:
1 đơn vị chỉ số tia cực tím = 25 mW/m2/giây = 25 mW/m2 hoặc 90J/ m2/giờ
Theo đó chỉ số tia cực tím được chia làm các mức độ như sau:

Chỉ số tia cực tím Mức độ nguy cơ
1-2 Thấp
3-5 Trung bình
6-7 Cao
8-10 Rất cao
Từ 11 trở lên Cao quá mức

Chỉ số tia cực tím thay đổi theo từng địa điểm, theo mùa và theo từng thời điểm trong ngày. Đặc biệt trong cùng 1 ngày chỉ số cực tím sẽ thay đổi theo hướng tăng dần đến đỉnh điểm 12 giờ trưa sau đó giảm dần.

Sự thay đổi cường độ tia cực tím trong ngày

Nguồn: https://www.epa.gov/sites/production/files/documents/uviguide.pdf?fbclid=IwAR3X9uC1WMuS8xsOJYX0x35ItSLZUpuOD_UVQVVp-CLh6HDhD4RIg9lqNQY

Tác dụng của chỉ số tia cực tím?

Căn cứ vào chỉ số tia cực tím và những tác hại của tia cực tím lên cơ thể con người đặc biệt là da và mắt, tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về các mức độ nguy cơ của tia cực tím ứng với các vùng chỉ số tia cực tím đồng thời khuyến nghị cho người dân các phương pháp bảo vệ thích hợp tương ứng để hạn chế tối đa tác hại của tia cực tím.

Ứng với mỗi mức độ nguy cơ củ tia cực tím được gắn với một màu sắc cảnh báo giúp cho người dân dễ nhận biết cụ thể là: mức độ nguy cơ thấp: màu xanh lục; nguy cơ trung bình: màu vàng; nguy cơ cao: màu cam; nguy cơ rất cao: màu đỏ và ở mức độ cao quá mức là màu tím.

Ứng với các vùng nguy cơ các khuyến nghị về các phương pháp bảo vệ thích hợp được đưa ra cho người dân dễ thực hiện cụ thể như bảng dưới đây:

Chỉ số tử ngoại Mức độ nguy cơ Màu hiển thị Khuyến nghị
0–2.9 Thấp

(Low)

Xanh lục Đeo kính râm 

Bôi kem chống nắng nếu trời đổ tuyết vì tuyết phản xạ tia cực tím.

3.0–5.9 Trung bình

(Moderate)

Vàng Đeo kính râm + áo chống nắng + bôi kem chống nắng khi ra ngoài. 

Ở dưới bóng râm vào khoảng giữa trưa, lúc ánh nắng mạnh nhất.

6.0–7.9 Cao

(High)

Cam Đeo kính râm + mặc quần áo chống nắng + đội mũ rộng vành + bôi kem chống nắng khi ra ngoài. 

Giảm thời gian tiếp xúc với ánh nắng từ 11giờ sáng đến 4 giờ chiều

8.0–10.9 Rất cao

(Very High)

Đỏ Đeo kính râm + mặc quần áo chống nắng + đội mũ rộng vành + bôi kem chống nắng khi ra ngoài. 

Cố gắng tránh tiếp xúc với ánh nắng từ 11giờ sáng đến 4 giờ chiều

11.0+ Cao quá mức

( Extreme)

Tím Đeo kính râm + mặc quần áo chống nắng + đội mũ rộng vành + bôi kem chống nắng khi ra ngoài. 

Không tiếp xúc với ánh nắng từ 11giờ sáng đến 4 giờ chiều

Ở các nước phát triển các kiến thức về chỉ số tia cực tím được phổ biến rộng rãi trong trường học cũng như trong cộng đồng, thông tin về chỉ số tia cực tím được công bố rộng rãi trên các bản tin thời tiết, người dân được nhắc nhở thường xuyên về các phương pháp phòng hộ để hạn chế tác hại của tia cực tím.

Làm sao để biết được chỉ số tia cực tím khu vực mình đang sống?

Để nhận biết được chỉ số tia cực tím của vùng bạn đang sinh sống bạn có thể theo dõi bản tin thời tiết, ở một số nước tiên tiến các thông tin này được cập nhật hàng ngày còn ở Việt Nam trong những thời điểm cao điểm của nắng nóng trung tâm khí tượng thủy văn cũng đưa ra các chỉ số về cường độ tia cực tím để cảnh báo người dân.

Trong thời đại công nghệ các nhà mạng đã thiết lập các phần mềm để cung cấp thông tin về chỉ số tia cực tím, người dân có thể chủ động tìm kiếm thông tin về chỉ số tia cực tím của khu vực mình đang sinh sống dựa trên các phần mềm này để có phương pháp bảo vệ hợp lý.

Bạn có thể tra cứu thông tin về chỉ số tia cực tím ở một số phần mềm trong đó phần mềm hay được sử dụng là phần mềm Uvlens.

Bạn có thể tải phần mềm này tại:
Tải về UVLens trên Android (Android 4.1 trở lên)
Tải về UVLens trên iOS (iOS 9.3 trở lên)

Chỉ số tia cực tím tra cứu được trên phần mềm Uvlens tại đường Phương Mai, Hà Nội lúc gần 12 giờ trưa, kết quả thu được chỉ số tia cực tím ở mức cảnh báo là cao quá mức tương ứng với màu sắc chỉ điểm là màu tím.

Kết luận

Chỉ số tia cực tím là một chỉ số dự báo chuẩn theo tiêu chí quốc tế về cường độ tia cực tím từ mặt trời tác động lên bề mặt trái đất tại một địa điểm xác định.

Chỉ số tia cực tím thay đổi theo vĩ độ và ngày trong năm, độ cao so với mực nước biển, độ dày tầng ozone, độ che phủ của mây, và mức độ phản xạ bề mặt.

Căn cứ vào chỉ số này giúp chúng ta biết được mức độ ảnh hưởng có thể gây ra của tia cực tím lên chúng ta để từ đó chúng ta có những biện pháp phòng hộ hợp lý giúp hạn chế tối đa tác dụng không mong muốn của tia cực tím lên cơ thể chúng ta đặc biệt là da và mắt.

Chúng ta nên có ý thức kiểm tra chỉ số tia cực tím mỗi ngày để nhắc nhở bản thân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng hộ bảo vệ làn da mỏng manh của chúng ta.

Trên đây là những thông tin về chỉ số tia cực tím, chúng tôi hi vọng những thông tìn này sẽ giúp ích cho các bạn. Nếu có câu hỏi nào các bạn comment bên dưới hoặc liên hệ qua… để. đội ngũ PEMA chúng tôi tư vấn được tốt hơn nhé. Hẹn gặp các bạn trong các bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo

John P. Kinney, MD1, Craig S. Long2 et al (2000). The Ultraviolet Index: A Useful Tool, Dermatology Online Journal 6(1):2.
A Guide To The UV Index (2004), National Service Center for Environmental Publications (NSCEP)
Gies, P., van Deventer, E., Green, A. C., Sinclair, C., & Tinker, R. (2018). Review of the Global Solar UV Index 2015 Workshop Report. Health Physics, 114(1), 84–90. doi:10.1097/hp.0000000000000742

Leave a Comment

18008048